Anh Hùng Sơn Cước (chương 7, 8) – Thùy Hương 1971 (Loại Hoa Đỏ)

***(ghi chú: Quyên Di giữ bản quyền Toàn bộ các tác phẩm thuộc Tủ Sách Tuổi Hoa (gồm Loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím)

Anh Hùng Sơn Cước – tác giả Thùy Hương 1971 (Loại Hoa Đỏ)

 

Chương 7

Ba đứa trẻ vẫn tưởng rằng nghề đốt than là một nghề nhàn hạ. Nhưng hôm sau, chúng mới thấy là chúng đã lầm .
Mới sáng tinh sương, cả gia đình thức giấc. Một lò than đã cháy xong, người ta chọc những lỗ thông hơi để khói thoát ra ngoài và để cho than nguội. Rồi người ta lại thiết lập ngay một lò than khác .
Mặc dầu đầu óc băn khoăn, ba anh em vẫn mải mê theo dõi công việc lạ mắt này .
Ông Ê Ban mới đi đâu về bảo Việt:
– Em đi với ta để kiểm những cái bẫy đã gài hôm qua .
– Em có đi không ạ? Y Môh hỏi .
– Em cùng đi nếu em muốn .
Hiện giờ đã biết rõ Ê Ban là ai, Việt thấy mình phải thu hết can đảm để đi theo hai người. Nó tự hỏi có phải họ dẫn nó đi để hạ thủ nó ở một chỗ khuất nào đó chăng? Nhưng hồi tưởng lại sự việc đêm qua, nó lại thấy vững dạ .
“Chắc hắn tìm cách dùng ta trong đảng cướp”. Nó nghĩ thầm .
Mặc dầu ít cảm tình với Y Môh, nó cũng vẫn đi theo hắn, không một lời kêu ca .
Còn hai đứa nhỏ ở lại chòi. Bé Tâm thì bắt chước dựng lên một lò than nhỏ xíu . Còn Hằng thì hoang mang suy nghĩ:
“Nếu có công việc gì làm cho khuây khỏa thì ta sẽ bớt nhớ ba má … và thêm can đảm để chờ đợi giờ phút được về với ba má. Không hiểu sao ông Ê Ban lại chưa muốn dẫn ngay chúng ta về. Hay là ông sợ Y Blơm? Tên này có lẽ ghê gớm lắm, nên một người can đảm như ông mới phải sợ chứ!
Nhìn quanh không thấy có việc gì làm, nó trở vào chòi và trông thấy một chiếc áo đen móc trên đinh ở cột nhà. Đó là chiếc áo mà ông Ê Ban đã đắp cho bé Tâm đêm qua . Hằng thấy một tay áo bị rách một miếng khá lớn .
– Uổng quá, ta không có cây kim! Nó nghĩ thầm, đáng lẽ ta có thể vá chỗ rách kia … Trong túi ta có một cuộn chỉ xanh nước biển: không đúng màu hẳn, nhưng trên nền áo đen cũng không rõ lắm!
Cầm cái áo lật qua lật lại, nó thấy một cây kim gài ở ve áo .
– À đây rồi! Nó vui vẻ tự nghĩ. Chiếc kim hơi lớn một chút, chắc ta không thể mạng đẹp như ở lớp học may, nhưng dầu sao cũng hơn là để áo rách .
Rồi nó ngồi xuống trước cửa chòi và bắt đầu mạng. Một lát sau, mạng xong, nó treo áo lên chỗ cũ .
Ba người đi săn mang về một con thỏ rất lớn. Y Môh làm lông, còn đứa con trai và người đốt than thì quạt lửa cho than thật hồng .
Lúc đó trời hơi lạnh, Ê Ban vào chòi lấy áo ra khoác. Hắn nhận thấy ống ta áo tự nhiên hết rách .
– Ủa! Cái gì thế này? Hắn ngạc nhiên hỏi. Áo của ta … phải, áo của ta đã được mạng! Ta không hiểu sao? Hắn vừa quay lại nhìn lũ trẻ .
Hằng đỏ mặt nói:
– Thưa ông, cháu tìm thấy một cây kim và cháu có sẵn một cuộn chỉ nên cháu mạng cho nó hết rách .
– Chính em đã làm đó à?
Tiếng nói của hắn khác lạ đi. Hắn không còn vẻ gì là độc ác hay mỉa mai. Hắn cầm cái áo trên tay; những đứa trẻ ngạc nhiên thấy hắn rơm rớm nước mắt .
– Điều này làm ông không vui ạ? Hằng lo lắng hỏi .
– Trái lại, ta rất vui, vì từ bao lâu nay không có ai vá áo cho ta cả! Khi ta còn ở trong buôn, mẹ ta vẫn vá áo cho ta … Bây giờ … nhưng tại sao em muốn làm cho ta vui?
Câu trả lời được thốt ra không chút ngần ngại:
– Vì ông rất tốt với chúng cháu .
– Bây giờ chúng ta đi ăn cơm! Ê Ban nói với giọng hoan hỷ .
Trong bữa ăn, Việt rất băn khoăn nghĩ rằng Ê Ban là một tên tướng cướp đã giết ngưòi, đáng ghê tởm .
Nó không thể hiểu nổi Ê Ban .
“Hắn đã cứu anh em ta, Việt tự nhủ, hắn đã chữa chân đau cho bé Tâm, hắn đã cởi áo đắp cho bé Tâm ban đêm. Tuy nhiên, hắn đã giết người và cướp của! Hay là điều này sai sự thực và hắn bị thiên hạ vu cáo? Nhưng tại sao hắn lại phải trốn tránh? Tại sao hắn sống như một kẻ man rợ trong rừng, không dám tới gần làng mạc?
Tất cả các câu hỏi trên, nó không thể tìm thấy câu trả lời. Chỉ có một người có thể giải thích cho nó: Chính là Y Blơm. Nên nó đã có chủ định .
Tối đến, trong khi Ê Ban tay cầm súng đang đi tuần ở ngoài rừng, Việt thừa dịp lại bên. Thấy nó, Ê Ban vui vẻ hỏi:
– Em muốn đi dạo một vòng với ta hả?
Việt nói với giọng quả quyết:
– Cháu … Cháu biết ông là ai rồi!
Ê Ban chau mày, nhìn thằng nhỏ một lúc lâu rồi đặt tay lên vai nó .
– Vậy thì sao? Hắn hỏi Việt. Em sợ ta? Em cho rằng ta sẽ giết cả bọn?
Việt đỏ mặt nhớ lại những gì nó đã trông thấy hôm qua .
– Sao em biết? Ê Ban hỏi. Có phải vấn đề người chủ trại hay không?
– Sự đó và nhiều sự khác nữa. Em thấy ông không phải là một người đốt than và ông cứ muốn trốn tránh … Ông không muốn đi tới bờ hồ .
– Bây giờ thì em đã hiểu vì sao. Nhưng chớ lo, ta sẽ dẫn các em về khi nào có thể được. Có lẽ mai hay mốt; Y Môh cho rằng cảnh sát đi về phía bắc. Ông đốt than và người con rất sẵn sàng đưa các em tới chỗ cắm trại, nhưng họ không thể bỏ được lò than .
– Thế còn Y Môh?
– Y Môh chẳng ưa gì các em cả; nó ghen tức vì ta coi các em như bạn. Điều đó rất dễ hiểu: nó đã rời bỏ tất cả để tới đây làm vệ sĩ cho ta. Nếu các em đi cùng nó, ta sẽ không yên lòng .
– Ông cho rằng hắn sẽ hãm hại chúng cháu?
– Ta không rõ. Nó là đứa hiếu thắng và hơi xảo trá. Nó mến ta nhưng có khi nó không vâng lời ta .
Việt nhìn Y Blơm rất chăm chú. Nó còn một câu hỏi nữa: một câu quan hệ nhất có thể, tùy theo lời giải đáp, đính kết hoặc ngắn hoặc dài, hoặc ngăn trở vĩnh viễn tình bạn của hai người .
– Em nhìn ta như vậy là nghĩa gì? Y Blơm hỏi .
– Xin ông đừng giận … Người ta đồn rằng ông là một tướng cướp … Điều này không đúng, phải không ạ?
– Danh từ đó không đồng nghĩa đối với tất cả mọi người, Y Blơm đáp với vẻ tự nhiên. Ta chỉ lấy những của phi nghĩa đem trả cho những người nào xứng đáng. Số tiền mà người chủ trại hôm qua đã bóc lột của kẻ nghèo khó, ta mang cho những ngưòi nào mà đã kiếm ra bằng mồ hôi nước mắt. Nếu làm như vậy mà thiên hạ gọi ta là tướng cướp, và ta còn lấy làm hãnh diện là đằng khác!
– Riêng cháu nhận thấy việc làm của ông rất tốt. Nhưng người ta còn nói … xin lỗi ông … Là ông đã giết người!
Nét mặt Y Blơm bỗng nhăn lại với vẻ đau khổ:
– Đúng, nhưng đó là ngoài ý muốn của ta, ta xin thề với em. Vì em là bạn của ta, ta không có quyền nói dối em. Phải ta đã giết một người .
Việt sửng sốt hỏi:
– Sao có thể như thế được?
Y Blơm bảo nó ngồi xuống bên cạnh rồi nói:
– Em đã khá lớn để hiểu được vấn đề. Chắc em yêu má em lắm, phải không?
– Vâng, với tất cả tấm lòng em.
– Vậy, nếu cần thì em có sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ má em không?
– Tất cả, Việt đáp không do dự .
– Vậy thì câu chuyện xảy ra như sau:
“Có một tên đã khiếm lễ với mẹ ta. Ta đã đi kiếm thủ phạm để trừng phạt. Ta không định tâm giết hắn, ta xin thề trước trời đất! Ta chỉ muốn cho hắn một bài học xứng đáng thôi. Khốn thay! Chính hắn đã tấn công ta bất ngờ. Một bữa kia, ta đi từ nhà tới chỗ làm rẫy, ta thấy hắn núp sau một bức tường. Rồi một tiếng súng nổ. Viên đạn bay vèo bên tai ta. Nổi giận, ta giơ súng lên ngắm và bóp cò. Địch thủ của ta vừa lúc ấy ló người ra nên bị trúng đạn giữa ngực. Khi ta thấy hắn chết, ta bèn trốn vào rừng. Tuy nhiên, ta đã ở thế tự vệ chính đáng. Nhưng chẳng ai hiểu cho ta, và ta cũng chẳng có cách nào để chứng minh điều đó. Vả lại, ta muốn được tự do và ta không muốn thấy mẹ ta phải tủi hổ khi thấy con mình bị cảnh sát còng tay mang đi”.
– Nhưng mẹ ông bây giờ chỉ có một mình! Bà cụ có khổ lắm không?
– Những người lối xóm vẫn săn sóc giúp bà. Ta bí mật gởi cho bà những đồ cần thiết. Một hôm ta về buôn để thăm bà. Nhưng ta suýt bị bắt và bà đã căn dặn ta đừng về nữa .
– Tội nghiệp ông Ê Ban! Việt vừa nói vừa nắm cánh tay tướng cướp .
– Nếu em muốn làm cho ta vui lòng, em đừng nên cho Hằng và bé Tâm biết rõ ta là ai. Ta không muốn cho chúng sợ ta. Em hứa chứ?
– Cháu xin hứa .
– Em là một mẫu con trai mà ta rất thích. Nếu ta có con, ta cầu mong cho nó giống em. Bây giờ em đã biết ta là ai, vậy em có muốn làm bạn sinh tử với ta khôn?
Việt gật đầu .
– Vậy đưa tay để ta bắt. Từ giờ phút này trở đi, giòng huyết quản của ta thuộc về em; nếu em cần đến ta, ta sẽ đến bất cứ trong trường hợp nào. Em có thể thực lòng nói với ta như vậy chăng?
Việt mỉm cười:
– Giòng huyết quản của cháu thuộc về ông; nếu ông cần đến cháu, cháu sẽ đến bất cứ trong trường hợp nào .
Hai người buông tay ra. Việt thấy trái tim mình nhảy rộn ràng trong lồng ngực vì sung sướng .
“Vậy mà, nó rất hổ thẹn tự nghĩ, đêm hôm qua ta lo ngại ông ấy ám sát bé Tâm!”
Khi nó về tới chòi, Hằng nhận thấy nét mặt hân hoan của nó .
– Trông anh vui thế, anh Việt? Ông Ê Ban đã nói những gì với anh vậy?
Việt không thể trả lời thẳng vào câu hỏi .
– Anh cũng thế, Hằng ạ. Anh rất yêu quí ông Ê Ban. Bây giờ anh chắc chắn là ông sẽ dẫn chúng ta về khi nào có thể được. Chúng ta cứ tin cậy vào ông, lúc sinh cũng như lúc tử .
– Em biết, nhưng có lẽ cũng vì em một phần đó. Nếu em không mạng cho ông chiếc áo lúc trưa …
Việt muốn cãi lại. Chiếc áo? Chiếc áo có ăn nhằm gì đến tình bạn sâu đậm giữa Y Blơm và Việt? Nhưng nó lại tự nén: có những điều con gái không thể hiểu được .
– Em đã làm được một việc tốt. Nếu khi nào áo ông ấy rách nữa, anh mong rằng em sẽ vá ngay cho ông ta .

Chương 8

Buổi tối hôm đó, Y Blơm đi đâu cùng với Y Môh một lúc lâu, rồi trở về chòi ngủ, không nói năng gì cả. Sáng sớm hôm sau, hắn gọi Việt bảo:
– Ta phải nói với em một chuyện này. Ra ngoài rặng thông với ta .
– Em có đi không ạ? Y Môh hỏi .
– Lúc này em chưa cần phải đi .
Y Môh ra vẻ giận dỗi, trở lại vờ giúp đỡ những người thợ xây lò than. Nhưng mắt nó vẫn liếc về phía rặng thông, chỗ Y Blơm và Việt đang ngồi .
– Em này, Y Blơm nói với Việt , để có thể dẫn các em về với ba má, ta phải biết rõ có cảnh sát đi lùng xét ở phía bờ hồ hay không. Khổ thay, những người có thể thông tin cho ta lại không biết gì về vấn đề trên cả .
– Vậy làm sao bây giờ ạ?
– Ta nghĩ mình có thể dò hỏi bằng cách khác. Trong rừng ta đã gặp một người khá kỳ dị, đàn ông cải trang đàn bà, tay dắt một con lừa .
– Ông Thanh Tùng! Việt nói .
– Em biết ông ấy hả?
– Vâng, chúng cháu gặp ông ấy dưới quận. Đó là một nhà phóng viên tới đây tìm cách phỏng vấn ông để viết một thiên phóng sự cho những tờ báo ở Sàigòn .
– Vậy ta không ra mặt là phải lắm: cái ông bép xép ấy có thể nói với cảnh sát thì phiền lắm. Nhưng vì ông ta ở quận lên đây, chắc ông ta biết rõ hành trình của toán cảnh sát đang lùng bắt ta. Nếu ta hỏi chuyện ông ta một cách khôn khéo, chắc ta có thể biết rõ những điều cần thiết .
– Hay ta dụ ông ấy tới đây .
– Không nên, ta đi gặp ông ấy thì hơn: chúng ta sẽ giả dạng làm những người đốt than và tới bắt chuyện với ông ta .
– Sợ ông ấy nhận ra mình .
– Chúng ta sẽ lấy than bôi đen mặt mũi. Không phải đây là lần đầu tiên ta hóa trang như vậy!
Việt rất thích thú về cuộc phiêu lưu này, vội đi theo Y Blơm về chòi. Rồi hai người lấy than bôi đen hết mặt mày, dưới sự ngạc nhiên của Hằng và bé Tâm .
Hằng hỏi Ê Ban:
– Ông và anh Việt làm gì vậy?
– Đây là công việc của đàn ông? Ê Ban bí mật đáp .
Y Môh bỏ công việc tới hỏi với giọng bất mãn:
– Các anh đi đâu vậy?
– Chúng ta đi công việc một lúc, Y Blơm đáp .
Y Môh tái mặt đi, hỏi lớn:
– Sao Việt đi mà không phải em?
– Vì ta cần đến nó, Y Blơm điềm nhiên đáp. Y Môh! Em phải nhớ rằng ta không thích những kẻ ghen ghét và hỏi lôi thôi đâu nhá! Ta giao cho em con bé Hằng và thằng nhỏ Tâm. Em phải trông nom chúng trong khi chúng ta vắng nhà, chúng ta sẽ sớm về, đừng lo lắng gì cả .
Y Môh ném tới Việt một cái nhìn làm cho Hằng phải run sợ. Nhưng Việt không hề để ý vì đang bận nghĩ đến cuộc phiêu lưu sắp tới .
Việt hỏi Hằng:
– Trông anh có giống người đốt than không em?
– Giống lắm, nếu không phải là anh của em thì chắc em không thế nào nhận ra được.
– Thật hay dối đấy?
– Em nói dối bao giờ?
Để bổ túc việc hoá trang, Y Blơm sắp xếp cho mỗi người một bó củi. Bó của hắn lớn hơn, có dấu khẩu súng trường bên trong. Trong khi đi cùng Y Blơm, Việt phải thán phục cách di chuyển trong rừng của hắn, y như một con chó thính mũi .
– Ông làm thế nào, Việt hỏi, để không bao giờ đi lầm đường trong rừng núi?
Y Blơm mỉm cười:
– Thế ở Sàigòn, em đi lại ngòai đường phố có gì khó khăn không?
– Không ạ, nhưng mà …
– Vậy, miền rừng núi này là Sàigòn của ta .
– Cháu thấy không giống ở Sàigòn các đường phố đều có tên, có số nhà, có những đài kỷ niệm, nhà thờ, chùa chiền, chợ búa, vườn hoa …
– Thì ở đây cũng có những mỏm đá, suối nước, cây cối khác biệt hẳn nhau. Thí dụ như chỗ này, em coi, các cây thông đều ngả về một phía, vì trên mỏm núi này có gió ở thung lũng trước mặt thổi vào quanh năm .
– Vâng đúng thế .
– Em thì không nhận ra vì không ở đây. Trái lại, ta thuộc lầu lầu trong bụng, vì từ ba năm nay ta luôn luôn di chuyển khắp vùng rừng núi này .
– Ông không hối tiếc cái buôn của ông hay sao?
– Ta được tự do, ta không ước muốn gì hơn .
Đi tới một chỗ có nhiều tảng đá nằm ngổn ngang, tướng cướp dừng lại nói:
– Thôi ta đứng đợi ở đây được rồi .
Việt lấy làm lạ hỏi:
– Sao ông biết rằng ông ta sẽ đi qua ngã này ạ?
– Ta nghe thấy bước đi của ông ta rồi. Để tai xuống đất em sẽ nghe thấy .
Việt bèn nằm xuống, để tai sát mặt đất. Quả nhiên nó nghe thấy tiếng chân người.
– Cháu nghe thấy, cháu nghe thấy, nó thì thầm .
Đợi một lát không thấy ai tới, hai người đi về phía có tiếng một con lừa kêu. Chẳng mấy chốc họ thấy một bà nhà quê đang nắm đuôi một con lừa để kéo mà nó vẫn cứ đứng nguyên chỗ không chịu đi .
– Thưa bà, có chuyện gì thế? Y Blơm tiến tới hỏi .
– À ! Những chú đốt than! Ông Thanh Tùng reo lên. May quá, ta thoát nợ rồi! Các chú đưa ta mượn một bó củi để ta phang cho con vật bất trị này một trận nó chỉ muốn làm cho ta khổ thôi .
– Tôi nghĩ ông nên để cho nó gặm cỏ một lát là ổn, Y Blơm đáp với vẻ thành thạo.
– Chú chắc vậy à? Ông Thanh Tùng hỏi với vẻ bán tín bán nghi. Thì lúc nào mà nó chẳng gặm cỏ. Ta không tin rằng như thế nó sẽ ngoan ngoãn hơn .
Con lừa được yên thân liếc nhìn Y Blơm bằng đôi mắt cảm kích và bắt đầu gặm cỏ một cách thoải mái .
– Ông đi từ xa tới với con lừa này? Chú đốt than giả hiệu hỏi .
– Từ quận lên. Nhưng đi từ mấy hôm nay rồi mà ta chẳng gặp ai … trừ những toán cảnh sát. Chắc các chú cũng biết họ đang lùng bắt tên Y Blơm ghê gớm đấy chứ?
Anh này đưa mắt nhìn Việt với đầy ý nghĩa .
– A! Ông đã gặp những toán cảnh sát?
– Phải, sáng hôm qua, lúc khởi hành từ quận lỵ .
– Thế họ đi ngã nào? Tôi muốn hỏi ông là vì con tôi đây (hắn chỉ vào Việt) rất mong mỏi họ đi qua ngã này: tính nó rất say mê những bộ đồng phục .
– Ta e rằng chú nhỏ sẽ thất vọng đó. Họ đã được tin Y Blơm ở về phía Bắc nên họ đã tiến về phía ấy. Vì vậy ta định đi tắt sang đó để gặp họ .
– Nếu vậy, sao tôi lại thấy ông đang đi về phía Nam? Y Blơm hỏi .
– Ấy chỉ vì con lừa bất trị này đó thôi. Ta đã ngắm đúng hướng Bắc trên địa bàn và quay mõm con lừa về hướng đó. Thế mà nó cứ đi quanh co làm ta mất cả bình tĩnh rồi mất luôn cả chiếc địa bàn nữa. Vì vậy, từ hai ngày nay, ta cứ đi lạc lõng trong rừng này và rất nguy kịch là lương thực sắp cạn rồi .
– Nếu vậy, xin mời ông dùng bữa với chúng tôi? Chúng tôi chẳng giàu có gì, nhưng thành thực mời ông .
– Ta rất vui lòng. Các chú không lo sự tốn kém, ta sẽ trả tiền phần ăn của ta đàng hoàng. Rất may cái ví của ta còn đầy bạc đây này. Nhưng suỵt! Phải nên thận trọng, ta biết rằng Y Blơm hiện không có mặt trong vùng này, nhưng “cẩn tắc vô áy náy” .
Y Blơm nháy nháy mắt Việt, nó lấy làm khóai chí lắm .
– Thế ông chắc chắn rằng Y Blơm không có mặt ở vùng này thật à? Hắn hỏi với giọng lo lắng. Vừa đúng lúc cha con tôi nói chuyện về nó. Chúng tôi chẳng có gì mà sợ mất mát, tuy nhiên chúng tôi thấy không gặp nó vẫn hơn .
– Các chú cứ yên trí, ông Thanh Tùng đáp với giọng đầy tự tin. Sáng qua ta đã nói chuyện với vị Đại úy chỉ huy cảnh sát. Ông ta xác nhận rằng ta có thể đi khắp vùng này mà không gặp một bất trắc nào cả, ngoài sự bất trắc lạc đường mà thôi. Bây giờ thì ta lại thấy sự bất trắc này đáng quan tâm gấp bội .
– Một người sống trong vùng này phải thông thuộc đường lối chứ, Y Blơm nói với giọng hơi mỉa mai .
– Nhưng ta có phải là người ở vùng này đâu?
Việt thấy câu chuyện này phải cười ra nước mắt khi nghĩ rằng ông Thanh Tùng chạy ngược chạy xuôi khắp khu rừng để tìm gặp Y Blơm, mà lại không dè ngay lúc này ông ta đang ngồi ngay trước mặt hắn .
Bữa cơm chấm dứt, ông Thanh Tùng lấy tiền ra trả, nhưng Y Blơm nhất định từ chối. Rồi hắn chỉ cho ông một lối đi tưởng tượng để ông đi gặp cảnh sát .
– Sao ông lại chỉ cho ông ta một lối trật vậy? Việt hỏi Y Blơm .
– Để cho ông ta không tới nơi quá sớm. Vì nếu ông ta lại mô tả bọn mình cho cảnh sát thì họ có thể nghi ngờ tung tích của ta lắm .

Thùy Hương

Đọc chương 1 và 2
Đọc chương 3 và 4
Đọc chương 5 và 6
Đọc chương 7 và 8
Đọc chương 9 và 10
Đọc chương 11 và 12
Đọc chương 13 và 14(hết)

****(ghi chú: Quyên Di giữ bản quyền Toàn bộ các tác phẩm thuộc Tủ Sách Tuổi Hoa (gồm Loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím)