Minh Đức Hoài Trinh- Cánh hoa rụng giữa trời man man (Lê Diễm Chi Huệ và bạn)

Lê Diễm Chi Huệ: Minh Đức Hoài Trinh- Cánh hoa rụng giữa trời man man

Sáng vừa thức dậy đã nhận được tin từ các nhóm văn thơ: “Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh đã qua đời”, lòng chợt thôi thúc muốn viết vài dòng về cô. Cách đây hơn mười năm trong một dịp sinh hoạt, tôi gặp cô Minh Đức Hoài Trinh. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Lúc đó tôi được biết cô đã có dấu hiệu hơi hay quên, nhưng thần thái vẫn minh mẫn, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Người cô toát lên sự gần gũi, thân thiện. Đã nghe danh từ lâu và yêu thích thơ cô nên khi gặp, tự nhiên tôi có một thiện cảm khác thường. Cô ngồi hướng về sân khấu, thỉnh thoảng mĩm nhẹ nụ cười. Trước khi ra về tôi không quên đến chào và bắt tay cô, bàn tay gầy guộc của người tôi cảm mến.

Hầu hết giới thưởng ngoạn thơ nhạc có lẽ từng nghe qua bài thơ ” Đừng Bỏ Em Một Mình”, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

“Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em

Lời nào đó, lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh

Nhạc nào đó, nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn”

Tiếng thơ là tiếng nức nở của một kẻ yêu đương khiến tâm hồn yêu thơ yêu nhạc của tôi quay quắt. Ai đã từng yêu đến lịm người, yêu điên cuồng mà đọc những câu thơ trên không thổn thức sao được!

Hay “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” cũng được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Duy:

“Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười.”

Có ai nghĩ rằng đằng sau những câu thơ đầy ướt át đó là một nữ lưu với nghĩa khí cao đẹp, bền bỉ và một tình yêu quê hương tha thiết. Phải nói rằng cô là một trong những nữ thi sĩ mà tôi mến mộ. Tôi mến mộ không chỉ ở những câu thơ lãng mạn tình tứ, mà ở tinh thần dấn thân của người cầm bút. Cô đã vận động lập được Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) để đưa tiếng nói của Văn Bút Việt Nam lên văn đàn quốc tế. Không màng khó nhọc, và bao chướng ngại cô cố gắng đồng hành cùng bao bạn văn lèo lái con thuyền văn bút. Dáng người mảnh mai trong tà áo dài đó toát lên vẻ mong manh nhưng lại ẩn chứa tinh thần của một kẻ sĩ, một trí thức dẫn đường và hành động. Sự dấn thân của cô được kính trọng bởi nhiều người trong giới cầm bút.

Sau này những lần đi sinh hoạt đấu tranh, mỗi khi tôi ngâm bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt” đều liên tưởng đến bóng dáng mảnh mai với một trái tim tha thiết với quê hương của nữ thi sĩ khả kính đó. Cô trăn trở, xót xa với nỗi đau của những người còn kẹt lại trên quê hương vẫn còn mang nhiều đọa đày. Cô đã dấn thân để làm điều cao đẹp. Không thể không xót xa. Không thể không quặn lòng. Không thể không rưng rưng khi nghe tiếng lòng của một kẻ sĩ thời đại:

“Người bạn tù ơi, ta không quên đâu

Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình Ngâu
Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích.”

Nỗi lòng của cô Minh Đức Hoài Trinh cũng là nỗi lòng của biết bao người Việt tị nạn phải bỏ xứ ra đi và cam chịu cuộc sống lưu vong nơi đất khách để vào những buổi chiều tà, lòng chạnh đau như kim chích, xót cho những người không được may mắn như mình phải chịu tay cùm, chân xiềng xích. Trên nỗi buồn miên man đó, người thi sĩ trở thành một chiến sĩ dùng sức mạnh của ngòi bút làm vũ khí đấu tranh, dùng lương tâm của người cầm bút để hy vọng gióng lên tiếng nói thay cho những người không thể nói. Hành động nhân bản và hy sinh vì công cuộc chung của cô là điểm son cho giới văn nghệ sĩ hải ngoại.

“Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
tự do tự do và nhiều lắm nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo.”

“Ai Trở Về Xứ Việt” là tâm tư, thổn thức, nỗi da diết của biết bao nhiêu người mà cô Minh Đức Hoài Trinh đã nói hộ.

Rất nhiều người có tài, nhưng người dám xả thân thì không phải ai cũng làm được. Vì lẽ đó, cô là tấm gương sáng mà tôi lấy làm ngưỡng phục. Có những người tôi không quen. Có những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng trong lòng tôi luôn dành cho họ sự nể phục. Cô Minh Đức Hoài Trinh là một trong những số người đó. Chữ đẹp. Nhân cách đẹp. Hành động đẹp. Kẻ hậu bối như tôi không thể không nghiêng mình, kính cẩn một đóa hoa vừa rụng giữa cơn gió vô thường lướt qua cõi nhân gian.

06.10.2017

Lê Diễm Chi Huệ

FB Việt Hải


 

CheapFlightNow's Exclusive Roundtrip Flights Sale. Book now and get up to $15 Off* with coupon code CFNAIR15.

 

Vĩnh biệt Minh Đức Hoài Trinh của Kiếp nào có yêu nhau

Theo gia đình và thân hữu, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, tác giả hai bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình vừa qua đời ngày hôm nay, 10-6 (ngày 9-6, giờ địa phương) tại California, Mỹ.

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15-10-1930 tại Huế. Bà là con quan Tổng đốc Võ Chuẩn, ông nội là Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm. Bà du học ngành báo chí tại Pháp từ năm 1964 và học Hán văn tại Trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne Paris.
Năm 1967 bà ra trường, làm phóng viên cho Đài Truyền hình Pháp ORTF. Cũng trong khoảng thời gian này bà từng đi làm phóng sự chiến trường ở nhiều nơi nguy hiểm như Algerie, Việt Nam…
Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris, sau đó vào năm 1973 bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái. Năm 1974-1975, bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện ĐH Vạn Hạnh. Bà sang Mỹ định cư tại đây từ năm 1982 và vẫn tiếp tục làm báo. Trong cuộc đời làm báo của mình, bà đã đi hết năm châu, có mặt tại nhiều chiến trường lửa đạn.
Vinh biet Minh Duc Hoai Trinh cua Kiep nao co yeu nhau – Anh 1
Thời trẻ bà sống, làm việc tại Pháp.
Ngoài bút hiệu Minh Đức Hoài Trinh, bà thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà viết nhiều văn thơ có giá trị nghệ thuật được đánh giá cao, có nhiều bài nổi tiếng như Kiếp nào có yêu nhau, Đừng bỏ em một mình… được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Các tác phẩm của bà đã xuất bản gồm: Lang thang (1960), Thư sinh (1962), Bơ vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên nga (1965), Hai gốc cây (1966), Sám hối (1967), Tử địa (1973), Trà thất (1974), Bài thơ cho ai (1974), Dòng mưa trích lịch (1976)…

Minh Đức Hoài Trinh – ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH
Minh Đức Hoài Trinh
1
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình

Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh

Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh

Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩatrang gậpghềnh

Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh

Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình

Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình

MINH ĐỨC HOÀI TRINH

DON’T LEAVE ME ALONE

Don’t leave me alone
While the cold moon is shown
The pagoda’s bell for the dead
Slowly mingles with the Sutra said

Don’t leave me forlorn
While the dusk rain is painfully borne
The bare birds with wet feather
To seek for warmth huddle together

Don’t leave me forsaken
While the sky and earth are shaken
The jungles are writhing with hurricane
Autumn is biting as a bane

Don’t leave me desolate
And forcibly forbid me to state
Let me shout out loud my emotion
To mix with the vast ocean

Don’t leave me solitary
In the night sea so scary
Worldly steps wobbler immerse
In the immense golden universe

Don’t leave me deserted
As guardian angel’s power not asserted
Time’s moaning groan grumpy
The path to the cemetery is bumpy

Don’t leave me destitute
And have me hear the hammer brute
That drives the nails on the coffin lid
Mixing with prayers, farewell to bid.

Don’t leave me isolated
As a ghost boat undifferentiated
The funeral wreaths will fade
Demons are still heartless to the shade

Don’t leave me estranged
By insects snapped, torn, deranged
Wild grass covers the virginal grave
And storms uncertainly rave

Don’t leave me outcast
Thousands of years from now on at last
Whose youth will not retrograde
Don’t leave me betrayed

Translation by THANH-THANH.

Trần Thị Vĩnh Tường – MINH ĐỨC HOÀI TRINH, NỤ HOA SIM BIẾT YÊU
Minh Đức Hoài Trinh: một cái tên rất Huế, Huế quí phái kín cổng cao tường “đưa con vô nội”. Đáng ra phải gọi là bà, nhưng tôi gọi là nàng, như Mẹ tôi gọi vậy, vì thời gian vừa chạm mặt nàng là vội vàng trốn biệt và ngòi bút nàng phóng túng rất khuê nữ đa tình.

Theo một bạn trên facebook…” hình gốc của bức ảnh được lưu giữ ở bảo tàng Albert-kahn ở Paris. Lần đầu tiên nhìn bức ảnh em tự hỏi cô gái châu Á này là ai, cô có một phong thái nữ lưu sải bước tự tin như đóa hoa đang nở trên đại lô Paris như vậy ! Không khỏi tự hào là môt khuê bích xứ Việt”

Minh Đức Hoài Trinh, nụ hoa Sim tím đồi Vọng Cảnh Huế, khuôn trăng tài tử làm tươi làm thắm dòng văn học Việt Nam Cộng Hoà không thua Francois Sagan. Cô thiếu nữ 17 tuổi chia với nhân gian núm vú hồng gót chân son ửng, chia từ mảng kháng chiến chống Pháp 1948 đến hội nghị Paris 1973… Tốt nghiệp báo chí Sorbone, Paris, từ ngòi bút ấy thiết tha những u tình cho đất nước con người, suốt khoảng thời gian hòa đàm Paris 1973 gửi về miền Nam những bản tường trình thổn thức bao trái tim quan tâm tới vận nước nổi trôi.

Ai mà chẳng biết yêu? Không chắc! Nếu không được tự do! Một đặc điểm của nền văn học kéo dài của một VNCH 21 năm ngắn ngủi: văn nghệ sĩ tự do, muốn viết gì thì viết, muốn yêu ai thì yêu. “Người người” ngày nay, như tình không biên giới, lao vào yêu cuồng nhiệt những gì văn học ấy để lại. Lịch sử không thiếu trường hợp bên THẮNG chấp nhân văn hoá bên THUA, nhưng âm nhạc và nghệ sĩ VNCH là thí dụ khó lý giải? Bài viết, ý kiến và sự yêu mến dành cho Minh Đức Hoài Trinh trên facebook trong 3 ngày qua chứng minh di sản lặng lẽ của nhân tình và nhân tính? Càng lặng lẽ chừng nào âm vang càng lan xa chừng đó. Chúc mừng người Việt.

Quận Cam, Orange County, California là nơi nàng cư trú đến cuối đời, nên có một con đường đặt tên Minh Đức Hoài Trinh dù nàng trí tuệ khiêm nhường đã có lần từ chối một sự “vinh danh” do anh em văn nghệ muốn chúc mừng, dù hơn tất cả các nhà báo nhà văn nào Minh Đức Hoài Trinh khai sáng Văn Bút VN ở hải ngoại từ 1979, là người không ngưng đòi trả tự do cho từng anh em đang ở trong tù cộng sản ở Việt Nam.

Nề hà gì giờ đây nàng không còn trí nhớ nhưng văn học Việt Nam chúng tôi sẽ nhớ nàng. Nàng đi, chàng vệ quốc kháng chiến ngưỡng mộ đang chờ ở cuối đường với nụ hôn và chùm hoa Sim tím màu quê hương mà nàng không được phép trở về. Lưu đày hay quê nhà? Giờ thì thênh thang hết cả.

Giờ đây nơi cõi mơ hồ nàng tung tảy gót son tìm nhau không còn van xin hoảng hốt hỏi nhân gian
“Đừng nhìn em nữa anh ơi..
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ…”

trăng thu không gãy
cánh chim không mỏi
ríu rít cùng nhau nơi xứ xa mờ
rồi ra sẽ gặp nhau kiếp tới

Ơi, đôi lứa yêu nhau không trọn kiếp này hãy tin như thế
Tạm biệt nhé, Minh Đức mãi mãi Hoài Trinh.

(Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15/10/1930 tại Huế,
mất ngày 9/6/2017 tại Orange County, California)
————————————————————————–
Cheap Flights Airfare Deals! Get Up To $15 Off* with Coupon Code

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời hôm thứ Sáu, 9 tháng Sáu lúc 2 giờ 19 phút chiều tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi.

Nữ Sĩ Mnh Đức Hoài Trinh 15/10/1930 – 09/06/2017

Phương Tôn – Giới thiệu “Văn nghiệp và Cuộc đời Minh Đức Hoài Trinh“ của Nguyễn Quang

Khác với những vùng khác, xứ Huế luôn luôn được xem là một vùng đất đặc biệt. Một trong những đóng góp để tạo nên cái „đặc biệt“ kể trên là… chất Huế. Một cái “Chất” mà ít nơi nào có được. Đó là cái chất vừa khó nhưng lại vừa dễ. Khó vì sự khắc khe của xứ Huế cổ kính và dễ là vì cái dễ thương của Huế. Huế đúng là vừa dễ thương lại vừa dễ ghét, nên nó được nói đến như là cái xứ “đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương” chung quy cũng bởi cái Chất Huế mà ra.

Một trong những cái chất Huế này phải kể đến chất… phụ nữ Huế. Đây là cái chất làm người phụ nữ bước chân không quá tà áo dài, ăn không hở miệng, nói không hở môi. Đố ai thấy được một người phụ nữ thuộc loại Huế phong cách cười đùa, đôi co to tiếng ngoài đường. Càng “Cành Vàng Lá Ngọc” chừng nào thì càng bị cái chất Huế bám chặt. Nhỏ nhẹ bên trong, kín đáo bên ngoài làm tăng vẻ quý phái của người phụ nữ đất Thần Kinh.

Vậy mà Chất Huế đó lại không ngăn cản được hoài bảo vươn cao, bước ra với thế giới bên ngoài của một người con gái Huế, cháu nội của một vị quan Thượng Thư và là con gái của một quan Tổng Đốc Thượng Thư thuộc triều Nguyễn: Cô Võ Thị Hoài Trinh. Năm 17 tuổi cô đã tạm “quên” cái chất Huế đang bám trên người, để rời bỏ “Hương Trang” nơi mà một tên tướng Nhật đã rút kiếm hỏi thẳng Cụ Nội của cô là “Giữa quân đội Hoàng gia Nhật Bản và chính phủ Pháp Cụ thương ai ?” Ông Cụ đã trả lời :”Tôi thương cho số phận của người dân Việt Nam chúng tôi, tám mươi năm nô lệ”, để đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi về sau lại từ bỏ để sang Pháp học ngành báo chí, một ngành học mà nam giới vào thuở đó còn chưa dám nghĩ đến chứ đừng nói đến người con gái con nhà quan đài các, kiêu sa như cô.

Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF. Là một nữ phóng viên đã hiện diện khắp chiến trường đẫm máu tại Algérie và sau này, trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam. Cô được quốc tế và người dân Việt Nam ngưỡng mộ qua bút hiệu Minh Đức Hoài Trinh.

Minh Đức Hoài Trinh là một trong số rất ít những ký giả tài năng, kể chung cả nam lẫn nữ của miền Nam Việt Nam. Bà vừa là phóng viên chiến trường làm việc cho các hãng thông tấn ngoại quốc vừa viết cho vô số báo chí tại Paris và tại Sài Gòn. Bà lại còn dạy đại học, viết văn, rồi lại còn làm thơ mà lại là thơ hay xuất sắc. Thơ của bà không ít đã được các nhạc sĩ danh tiếng phổ nhạc, trong đó có Phạm Duy với “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” hoặc “Đừng Bỏ Em Một Mình” v.v… Đối với giới văn chương quốc tế bà Minh Đức Hoài Trinh đã nổi bật qua bài thơ “Em Mười Sáu Tuổi” được chuyển sang Anh ngữ:

Em mới mười sáu tuổi!
Sao bắt em ra chiến trường?
Để em chết trần truồng phơi gan phổi!
Nhìn xác em, ai không giận, không thương?

Ai bày ra chiến tranh?
Ai buôn chi gươm súng?
Để máu người hôi tanh!
Oán thù lên từng vũng!
Tên của bà cũng đã gắn liền với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam một thời và điểm đặc biệt mà giới làm báo viết văn tại Hải Ngoại phải nhớ đến bà, không thể nào quên được vì chính bà là người đã âm thầm tranh đấu với Văn Bút Quốc Tế thành lập nên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Cuộc đời trong sáng, sinh hoạt việc làm sôi nỗi của Võ Thị Hoài Trinh- Minh Đức Hoài Trinh nay đã được Nguyễn Quang, phu quân của bà, gom góp dữ liệu viết thành cuốn “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH”.

Đây không phải là hình thức của một cuốn hồi ký mà Nguyễn Quang chỉ cho ta thấy vô số hình ảnh và sự kiện lịch sử mà Minh Đức Hoài Trinh đã sống và làm việc. Từ những chuyến viếng thăm Hạm đội USS Enterprise, công tác báo chí tại Cam bốt, hoặc những bước chân đầu tiên vào ngày giải tỏa thành phố Huế trong trận Mậu Thân, phóng viên thường trực tại Hội Nghị Hòa Đàm Paris 1973 cho đến những hình ảnh bà tranh đấu tại các Đại hội Văn bút Quốc tế tại Thụy Điển, Ba Tây…với những dữ liệu chính xác lôi cuốn qua hai ngôn ngữ Việt – Anh.

Nếu nói rằng “Hàng trăm câu văn cũng không bằng một tấm hình” thì “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH” của Nguyễn Quang đã thành công khi giúp cho những người yêu mến văn tài của bà và những thế hệ sau có được những tư liệu hình ảnh đánh dấu một giai đọan khó khăn của lịch sử, của một trong những người phụ nữ tiền phong. Minh Đức Hòai Trinh, người phụ nữ đượm đầy “chất Huế”, xuất thân qúy phái kiêu sa đã vượt thóat cái e ấp khép kín của một người thiếu nữ Huế, dấn thân và thành đạt với những thành quả và đóng góp cho đất nước Việt Nam, rất đáng kính phục. Bà là người của buổi giao thời đã có can đảm sống một cuộc sống tự lập của người phụ nữ Âu Mỹ thời đại hiện thực.

Minh Đức Hòai Trinh, con người tài hoa đã với tư tưởng mạnh mẽ vạch cho mình một hướng đi và đạt được cuộc sống giá trị phong phú lợi lạc cho đời. Hình ảnh của một người thiếu nữ khuê các đã kiên cường chọn đời sống tự lập, tháo vác, năng động, là kết quả của những hoạt động gian nan, sôi nổi nhưng đầy thành công của Bà. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc xa gần “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH” của Nguyễn Quang.

Phương Tôn

Tháng 6.2017

Viết và bổ sung ngay sau khi nghe tin Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa qua đời vào ngày 09.06.2017

Image may contain: 1 person, smiling

Image may contain: 1 person, smiling

 

CheapFlightNow's Exclusive Roundtrip Flights Sale. Book now and get up to $15 Off* with coupon code CFNAIR15.
Cheap Flights Airfare Deals! Get Up To $15 Off* with Coupon Code
Beach Hotel Deal! Save $50 with Coupon Code HWIZ50*

Best Hotel Deals - Save up to 75% Off* on Hotels