Minh Đức Hoài Trinh, Nữ Lưu Văn Hoá, Chiến Sĩ Nhân Quyền – Lâm Lễ Trinh

 

Minh Đức Hoài Trinh, Nữ Lưu Văn Hoá, Chiến Sĩ Nhân Quyền

mdht2

     LTS: Dưới đây là bài giới thiệu có ghi âm của Luật sư Lâm Lễ Trinh, nguyên Tổng trưởng Nội vụ thời Đệ nhứt Cộng Hòa Việt Nam và hiện là chủ nhiệm/chủ bút tạp chí Anh-Pháp Human Rights/Droits de l’Homme, trong buổi ra mắt tác phẩm Văn Nghiệp và Cuộc đời Minh Đức Hoài Trinh của tác giả Nguyễn Quang tại Hội trường Nhựt báo Người Việt, đường Moran street, Westminster ngày chúa nhựt 18.9.2005.
Thưa các bạn,
Cách đây vài hôm nhà văn Minh Đức Hoài Trinh có đến tặng cho tôi tác phẩm Văn Nghiệp Và Cuộc Đời MDHT và yêu cầu tôi nói vài lời giới thiệu. Như các bạn nhận thấy: tập sưu khảo này được anh Nguyễn Quang trình bày và ấn loát rất mỹ thuật, dày 130 trang, gồm nhiều tài liệu liên hệ đến một gương mặt phụ nữ tài hoa, đa năng, đấu tranh không mệt mỏi từ hơn 50 năm qua cho văn hóa VN và quyền tự do ngôn luận.
Đối với tôi, Minh Đức không xa lạ. Thời niên thiếu, Võ Sum, người anh cả của Minh Đức, là bạn đồng lớp trung học với tôi ở Huế thập niên 40. Vào cuối tuần, lúc đó, đôi khi tôi có dịp đến thăm Sum tại ngôi nhà cổ của cụ Thượng Thơ Võ Chuẩn, trên dốc Nam Giao, nơi mà Minh Đức sống trong gia đình nho phong. Cũng trong thời khoảng ấy, Đệ nhị thế chiến chấm dứt, Bảo Đại hồi loan, xã hội VN rẽ qua một khúc quanh quan trọng: giới thanh niên khát khao thụ hưởng trào lưu tư tưởng mới sôi nổi với nhóm Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa/Ngày Nay, kiểu áo Lemur của hoạ sĩ Cát Tường canh tân cách trang phục của phái yếu và các đảng phái quốc gia cũng mạnh mẽ lên tiếng đòi quyền dân tộc tự quyết.
Đặc biệt, năm 1945 mang lại nhiều biến cố: đầu năm, một nạn đói khủng khiếp gây thiệt mạng cho trên một triệu đồng bào. Ngày 9 tháng 3, Nhựt đảo chính Pháp, Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ các Hiệp ước do triều đình Huế ký kết trước đó và chỉ định Trần Trọng Kim lập nội các. Ngày 15 tháng 8, Nhựt hoàng đầu hàng và bốn hôm sau, tức là ngày 19 tháng 8 (mà CS hênh hoang gọi là cuộc Tổng Khởi Nghĩa hay Cách mạng Tháng Tám), Việt Minh cướp chính quyền, phỗng tay trên các đảng phái quốc gia. Trong lúc viếng thăm một người chị buôn bán tại Hà Nội, nữ sinh Minh Đức, 18 tuổi, vừa hoàn tất trung học tại Quảng Ngãi, bị làn sóng chiến tranh cuốn hút vào Liên khu 4 với một người chị khác tên Thanh. Liên khu này bao gồm 6 tỉnh địa đầu Miền Bắc Trung Việt (Bình Trị Thiên, Thanh Nghệ Tịnh), đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Sơn, vị tướng Việt duy nhất tham gia Vạn Lý Trường Chinh, bậc thầy của Võ Nguyên Giáp và được Mao Trạch Đông phái về VN giúp Hồ Chí Minh. Nguyễn Sơn có một tinh thần phóng khoáng, độc lập, che chở chẳng những các văn nghệ sĩ quốc gia mà một số tên tuổi chính trị thoát ra chiến khu như Trần Chánh Thành, Nguyễn Duy Quang, Kiều Công Cung, Nguyễn Tiến Lãng.. vv..Về sau, vì không tuân phục chính sách của Hồ, Nguyễn Sơn thất sủng, bị trả về Trung quốc, giải ngũ và qua đời tại VN. Minh Đức được GS. Đặng Thái Mai, cha vợ của Võ Nguyên Giáp, bảo bọc che chở và khuyến khích dự một khóa huấn luyện tại Trường Văn Hoá Kháng chiến mà Đặng Thái Mai là hiệu trưởng, với thành phần giảng viên như Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đức Quỳnh, Sĩ Ngọc… Sau bốn năm bị kẹt trong chiến khu, nhờ sự giúp đỡ của Đặng Thái Mai, Minh Đức “dinh tê” về Hà Nội đoàn tụ với gia đình.
Với kinh nghiệm sống thu thập trong giai đọan nhân dân chống Nhựt và Pháp, Minh Đức Hoài Trinh nhận thức cần trau dồi kiến thức trong lãnh vực văn hóa và truyền thông là hai võ khí đấu tranh hàng đầu trong một quốc gia chậm tiến, bị Đế quốc thống trị. Với tầm nhìn xa và nhiệt tâm phục vụ, Minh Đức là một nữ lưu tân tiến thời đó. Cô trở lại học đường, năm 1964 qua tu nghiệp tại Ba Lê về môn báo chí và Hán ngữ. Tốt nghiệp năm 1967, Minh Đức được Đài truyền thanh/truyền hình Pháp RTF tuyển làm phóng viên – một nữ phóng viên đầu tiên gốc Việt – và đặc phái qua các chiến trường sôi động Algérie, Do Thái và Việt Nam. Từ 1969 cho đến 1972, Đài cử Minh Đức theo dõi và tường trình cuộc Hòa đàm Paris. Sự hoàn tất tốt các công tác phức tạp vừa kể đã gây được tín nhiệm nghề nghiệp đối với Minh Đúc trong một lãnh vực quốc tế đến nay chưa mở rộng cho nữ giới Việt Nam.
Để chia xẻ những điều học hỏi dưới những hình thức hoạt động khác, Minh Đức Hoài Trinh quyết định trở về nước sau Hiệp định Ba Lê để dấn thân vào ngành giáo dục, viết báo và sáng tác. Song song với việc dạy môn báo chí tại Đại học Vạn Hạnh, Minh Đức cho xuất bản trên 25 tác phẩm thuộc đủ lọai… và thuyết trình tại các Hội thảo văn hóa quốc tế ở Indonesia, Mã Lai và Thái Lan. Sức làm việc thật là hiếm có trong một phụ nữ mảnh mai như Minh Đức vì, ngoài các thực hiện vừa kể, Minh Đức còn dành thời giờ để cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí như Bách Khoa, Phổ Thông, Sáng Tạo, Cao Đẳng Quốc Phòng.. v..v.., không kể tham gia Hội Văn bút Quốc Tế và phụ trách viết “Bức thư hậu phương” đăng hằng ngày trên tờ báo Đông Phương để nâng cao tinh thần các chiến sĩ tiền tuyến. Nhiều bài thơ danh tiếng của Minh Đức được Phạm Duy, Trần Quang Hải, Võ Tá Hân… phổ nhạc.
Miền Nam VN sụp đổ tháng 4.1975. Minh Đức di tản qua Pháp, không ngơi nghỉ, xuất bản tại Paris tạp chí Hồn Việt Nam và phụ trách một chương trình Việt ngữ trên Đài phát thanh Pháp ORTF. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, Minh Đức gặp nhiều khó khăn trong việc vận động phục hoạt Hội Văn bút VN Hải ngoại nhưng cuối cùng, đã thành công. Xin để phần này cho các văn hữu khác trình bày sau tôi.
Hôm nay, trong vị thế chủ bút của tạp chí Anh Pháp Human Rights-Droits de l’Homme và Cố vấn cho tổ chức Mạng lưới Nhân quyền VN, tôi hân hoan góp tiếng để vinh danh một gương mặt phụ nữ đã hiến dâng trái tim và tâm trí cho Đại Cuộc. Minh Đức Hoài Trinh sẽ được Cộng đồng và các thế hệ trẻ nhớ mãi như một chiến sĩ luôn luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, Tự do ngôn luận và sự độc lập của Trí tuệ vì đó là những phương thuốc hữu hiệu để giải trừ chế độ vô luân và phi nhân hiện nay ở Việt Nam. Thật vậy, Cộng sản chỉ ngán sợ dư luận quốc tế mà chúng ta có thể huy động bằng phương tiện truyền thông và văn hóa sử dụng có kế hoạch và liên tục.
Đọc qua các tập thơ và một số tác phẩm của Minh Đức Hoài Trinh như “Bên ni, Bên Tê”, “Bất đáo Trường thành phi hảo hớn” hay “Sám hối”, chúng ta sẽ nhận thấy tác giả thao thức về nhiều vấn nạn của đất nước: sự vô nghĩa của chiến tranh, xã hội đầy dẫy bất công, thảm cảnh gia đình ly tán, các giá trị đảo ngược, giới trẻ mất định hướng… Tuy nhiên giữa bối cảnh đổ nát ấy, niềm tin dân tộc sẽ hồi sinh không tắt lịm: Minh Đức kết thúc quyển tiểu thuyết có chủ đề Bên Ni, Bên Tê bằng một câu đầy ý nghĩa của Lộc nói với Bụi, hai nhân vật trong câu chuyện: “Em ngó coi trời nhiều sao chưa, mỗi vì sao là một điểm hy vọng.”
Nay đến tuổi thất thập cổ lai hy, nhà văn tranh đấu nhân quyền Minh Đức Hoài Trinh cho các bạn bè biết ý định muốn gác bút, giã từ văn đàn. Nếu đây là một quyết định thật sự thì rất đáng tiếc vì Minh Đức chưa dứt nợ với khối độc giả mến mộ.
Như con tằm nhả cho hết tơ mới chết, như cây nến cháy cho tận bấc, lệ mới hết tuôn rơi. Đó là thân phận của người trí thức yêu nước, bất luận nam hay nữ, theo hai câu thơ của Lý Thương An:
Xuân tầm đáo tử ti phương tận,
Lạp chúc thành hôi lệ thủy can

Xin cám ơn sự chú ý của các bạn.

 Lâm Lễ Trinh

 Ngày 17.9.2005
Thủy Hoa Trang
California

Nguồn Quốc Gia Hành Chánh